Cập nhật cuộc sống sau này của Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương chuyện giờ mới kể
Câu chuyện thú vị liên quan đến lần khai sinh lại và làm thủ tục kết hôn của Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương.
Cái tên dài 7 chữ cái Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương đã khiến cô gái sinh năm 1986 có địa chỉ thường trú tại xóm 6, xã Tân Linh, Đại Từ, Thái Nguyên gặp không ít rắc rối về thủ tục giấy tờ. Tất cả bằng cấp, giấy tờ liên quan của Dương cho đến nay chỉ có chứng chỉ tin học, giấy khai sinh (cấp lại – PV), hồ sơ xin việc là đầy đủ tất cả các chữ trong tên của cô.
Còn lại, từ sổ hộ khẩu cho tới sổ điểm, sổ học bạ, bằng tốt nghiệp… tên của cô đều phải viết tắt một số kí tự hoặc ghi 4 chữ của tên là Đào Thị Ánh Dương để đúng số dòng quy định.
Tìm tới ủy ban nhân dân xã Tân Linh, nơi gắn liền với các thủ tục hành chính của Dương, từ cán bộ lớn tuổi cho tới cán bộ trẻ đều biết tới người con gái từng khiến địa phương bỗng chốc “nổi tiếng” và được nhiều người biết tới. Anh Bùi Văn Thuyết (Phó Trưởng công an xã Tân Linh) cho biết, tên của chị Dương nghe lạ nhưng không ai ở xã Tân Linh gây khó khăn cho Dương về các thủ tục hành chính.
“Còn lại các giấy tờ như chứng minh nhân dân, bằng lái xe, bảo hiểm… đều phải viết tắt 1 số kí tự. Những sự không đồng nhất về cách ghi tên trong giấy tờ của Ánh Dương không ảnh hưởng gì tới quyền công dân vì chị Dương có hộ khẩu thường trú tại xã, công an xác nhận trường hợp này. Khi đi xin việc, có ảnh hưởng hay không còn tùy vào cơ quan tiếp nhận hồ sơ” – anh Thuyết cho biết thêm.
Nhắc tới tên Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương, bất kì cán bộ nào ở xã Tân Linh cũng nhiệt tình kể chuyện. Một cán bộ tư pháp (xin được giấu tên) có em trai học cùng lớp với Ánh Dương cũng hồ hởi kể lại câu chuyện khá thú vị mình từng trải qua.
Người cán bộ này thậm chí đã có tới 2 lần xử lý giấy tờ cho Ánh Dương. Một lần là làm giấy khai sinh lại, một lần là làm thủ tục đăng ký kết hôn cho cô. Vì khoảng trống điền tên của cả 2 loại giấy tờ trên đều... quá ngắn trong trường hợp này, mà lại cần viết sao cho đủ chữ, đẹp, nên anh đã phải vô cùng nắn nót, cố "lách" ngòi bút sao cho đủ 7 chữ trên 1 dòng! Trong khi kể, nét mặt vị cán bộ tư pháp lộ rõ sự hài lòng và vui vẻ khi tự nhận ra mình... thật "khéo tay"!
“Nhiều lần Dương lên xin dấu trên ủy ban nhưng mọi người chỉ hỏi “sao tên dài thế” và Dương cũng chỉ cười”. Tuy thấy cái tên bất tiện về thủ tục giấy tờ nhưng anh không dám khuyên gia đình đổi lại tên cho Dương. Bởi lẽ, theo anh đổi tên hay không còn tùy thuộc vào tín ngưỡng tâm linh, ngữ nghĩa mà gia đình quan niệm.
Theo quan điểm của anh, tên phải gắn liền với tính cách. Tên đầy đủ ngữ nghĩa mà không quá dài, không quá sắc sảo nhưng có chiều sâu. Bản thân vị cán bộ tư pháp này không thích những tên dùng nhiều mỹ từ.
Chúng tôi đặt giả thiết, nếu là nhà tuyển dụng thấy tên dài và gây nhiều khó khăn trong quá trình lưu trữ hồ sơ, anh có nhận Dương vào làm? Vị cán bộ tư pháp cười: “Để tuyển một người phải dựa vào năng lực làm việc của họ. Về giấy tờ sau đó có thể cải chính tên ngắn đi và tên cũ của em vẫn được công nhận và lưu trữ trong hồ sơ” .
Cái tên Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương cũng từng khiến cán bộ văn thư trường THPT Đại Từ như cô Lợi phải “loay hoay” khi đi tìm phương án “tối ưu” để lưu sổ sách và làm giấy tờ cho cô gái có tên dài nhất tỉnh Thái Nguyên này.
Theo chia sẻ của cô Lợi, tên bạn ấy quá dài nên trong học bạ, sổ điểm phải viết tắt một số kí tự nhưng những gì liên quan tới thi cử lại không viết tắt được nên phải cố viết 7 chữ cái thành 1 dòng.
Một cán bộ tư pháp của xã Tân Linh cũng từng được người ở nơi khác “hỏi thăm” về Ánh Dương: “Bạn học cùng khóa với tôi khi nhập hồ sơ cũng bảo, trong quê ông có đứa em tên dài lắm. Lúc ấy tôi bắt đầu thấy có hiện tượng cô bé ấy có nhiều người để ý rồi” – vị cán bộ tư pháp này cho hay.
Còn với ông Đào Duy Thường (trưởng xóm 6), câu chuyện về Ánh Dương dường như không phải là điều gì lạ lẫm với ông vì: “Từ nhỏ con bé Dương vẫn hay chạy sang nhà tôi chơi. Chúng tôi gọi nó là Dương. Chỉ những ai liên quan tới giấy tờ hành chính và người nhà của Dương mới biết tên nó dài như thế. Giờ các bạn đi hỏi nhiều người ở đây chưa chắc họ đã biết vì cháu nó đi học xa nhà thường xuyên, không mấy khi ở địa bàn. Khi hay tin ông Hoạt đặt tên con với nhiều kí tự, tôi có hỏi nhưng ông ấy chỉ nói “thấy hay thì đặt” chứ không có dụng ý hay kỉ niệm nào liên quan. Tôi nghe nhiều cũng thành quen rồi nên chưa khi nào bị nhầm lẫn trong việc làm giấy tờ cho cháu. Các con nhà ông Hoạt cũng chỉ cả họ, tên đệm và tên là ba chữ. Duy nhất mình nó là “đặc biệt”. Nhà tôi thì cứ con trai đệm Văn, con gái đệm Thị cho dễ làm giấy tờ mà cũng dễ gọi” – ông Thường nói.
Và mỗi khi hỏi thăm ai đó ở xã Tân Linh về cô gái có cái tên dài nhất tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi lại nhận được những ánh nhìn thân thiện và sự tận tình của người dân nơi đây khi chia sẻ câu chuyện về Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương.
Bài viết liên quan: Độc lạ cô gái Thái Nguyên có tên là Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương